Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh khá phổ biến, số người mắc căn bệnh này ngày càng gia tăng. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, ngay cả trẻ còn bé và người cao tuổi. Đây là bệnh dễ tái phát, vì vậy, cần lưu ý khi mắc căn bệnh này.
Trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Trào ngược dạ dày hay còn được gọi là trào ngược thực quản. Chúng được xem là một trong những vấn đề về dạ dày rất dễ gặp phải. Hiện tượng này được hiểu là tình trạng dịch (đôi khi cả thức ăn kèm theo) trong dạ dày của cơ thể xuất hiện hiện tượng trào ngược lên thực quản gây nên nhiều triệu chứng khác nhau.
Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản
Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, trong đó tập trung chủ yếu vào một số yếu tố như:
– Do van tâm vị – dạ dày yếu (đóng mở không đều, hoặc đóng không kín) làm cho dịch dạ dày trào ngược lên thực quản
– Do chức năng hoạt động của các cơ co bóp thực quản yếu (nhiều trường hợp trào ngược dạ dày thực quản là do cơ co bóp thực quản bị yếu bẩm sinh hay gặp ở các bệnh nhi, người cao tuổi).
– Do lượng chất nhầy bảo vệ niêm mạc thực quản ít dần bởi viêm loét thực quản.
– Bên cạnh đó có thể vì một lý do nào đó (viêm các tuyến nước bọt mạn tính hoặc tuổi cao…) làm cho lượng nước bọt ngày một suy giảm (bởi vì, nước bọt có tính kiềm nên giúp trung hòa, rửa trôi bớt dịch acid dạ dày).
– Một số trường hợp có thể do tình trạng dư thừa acid chlohydric (HCl) và các enzym (men) tiêu hóa trong dạ dày hoặc do sự trì trệ trong quá trình tiêu hóa, để thức ăn bị ứ đọng lâu trong dạ dày (hẹp môn vị, u dạ dày, sa dạ dày…).
– Ngoài ra, béo phì, bệnh thoát vị dạ dày qua khe thực quản, một số phụ nữ đang mang thai, nghiện thuốc lá, rượu bia, một số gia vị cay, thức ăn quá nóng sẽ làm trầm trọng thêm hội chứng trào ngược dạ dày- thực quản.
Triệu chứng của bệnh
Với bệnh trào ngược dạ dày thực quản, các triệu chứng thường xuất hiện sau khi ăn hoặc về đêm.
– Triệu chứng thường gặp nhất là ợ (ợ hơi, ợ nóng, ợ chua). Ợ hơi thường xuyên ngay cả khi đói hoặc không uống bất cứ thứ gì. Ợ nóng là cảm giác nóng rát từ dạ dày hay vùng ngực dưới, lan hướng lên cổ, có khi đến tận vùng hạ họng, mang tai, kèm theo đó là vị chua trong miệng (do dịch dạ dày trào ngược lên thực quản tiếp xúc với niêm mạc thực quản gây cảm giác nóng, nóng rát).
Ợ chua xảy ra nhiều nhất vào buổi sáng (nhất là khi đánh răng). Các hiện tượng ợ thường tăng lên ngay sau khi ăn no, đầy bụng, khó tiêu hoặc sau khi uống rượu, bia hay nước chua (canh chua, nước chanh…) hay khi cúi gập người về phía trước hoặc khi nằm nghỉ.
– Người bệnh có thể bị buồn nôn, nôn thường xuất hiện khi ăn quá no hoặc nằm ngay sau khi ăn, lý do là các chất trào ngược lên thực quản không chỉ là hơi, dịch tiêu hóa mà cả thức ăn khiến người bệnh có cảm giác buồn nôn, nôn.
– Người bệnh có thể bị đau, tức ngực (tỷ lệ khoảng 40 – 45%) do đau đoạn thực quản chạy qua ngực bởi khi axit trong dịch dạ dày trào ngược lên thực quản kích thích vào đầu mút các sợi thần kinh, gây cảm giác đau ở vùng ngực. Lúc này người bệnh có cảm giác bị thắt ở ngực, đè ép, xuyên ra lưng và cánh tay làm cho người bệnh rất lo lắng tưởng rằng bệnh của tim mạch hoặc bệnh của phổi.
– Ngoài ra, bệnh trào ngược dạ dày thực quản còn gặp các triệu chứng như đắng miệng, khó nuốt, cảm giác vướng ở vùng họng, khàn giọng, đau họng, hôi miệng, nấc, đặc biệt là ho khan kéo dài không rõ nguyên nhân.
– Ở trẻ em, trào ngược dạ dày, thực quản thường có dấu hiệu nôn trớ, chất nôn có mùi chua của dịch dạ dày. Ít gặp hơn là triệu chứng khò khè, bé biếng ăn, chậm lớn, có thể dễ bị viêm đường hô hấp.
Triệu chứng giảm bớt khi người bệnh dùng các thuốc kháng axit như Gastropulgit, Asigastrogit… hoặc thuốc làm giảm tiết axit như Omeprazone (đặc biệt là Nexium tiêm), Ranitidine…
Để chẩn đoán, ngoài các biểu hiện lâm sàng cần nội soi dạ dày- thực quản và sinh thiết để đánh giá tình trạng niêm mạc và xét nghiệm dịch vị dạ dày.
Biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản dễ dẫn đến viêm loét thực quản, nếu nặng và kéo dài có thể làm hẹp thực quản (viêm loét thực quản cũng có thể gây chảy máu). Bệnh diễn ra trong một thời gian lâu làm cho niêm mạc thực quản biến đổi có thể chuyển thành ung thư.
Ở một số bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi, có thể gây nên viêm phổi do hít dịch trào ngược vào đường thở.
Khi mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên lưu ý gì?
Người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân nên lưu ý, do bệnh trào ngược dạ dày thực quản rất dễ tái phát nên thường bác sĩ điều trị khuyên người bệnh phải điều trị duy trì sau đợt điều trị tấn công hoặc phải dùng thuốc khi có triệu chứng tái phát, do đó cần được khám lại (tái khám) theo yêu cầu của bác sĩ điều trị.
Người bệnh nên lưu ý sau khi ăn xong không nên nằm ngay mà nên ngồi (ngồi uống nước xem TV, đọc sách báo…) và tốt nhất ngồi tư thế nửa nằm nửa ngồi.
Căn bệnh này cũng rất cần kiêng rượu, bia, nước uống chua (nước chanh, canh dưa…), kiêng gia vị chua, cay…
Việc nằm ngủ như thế nào cũng có tác động rất lớn đến việc phòng ngừa tình trạng trào ngược dạ dày thực quản, do đó có thể điều chỉnh lại tư thế ngủ bằng cách nằm ngủ nghiêng sang bên trái. Khi nằm ngủ nên có gối kê cao đầu (gối cao vừa phải, không được cao quá).
Dung dịch dạ dày Nano Plus V của Viphar với các thành phần là sự kết hợp của Đông Tây y giúp bạn trung hòa acid dịch vị, giảm đầy hơi, khó tiêu,…
Theo Sức khỏe đời sống